NovaEdu 05/06/2020 4455

Thương mại quốc tế - Chuyên ngành “chất lừ” của Trường Đại học Ngoại Thương

Ngoại Thương được mệnh danh là “Harvard Chùa Láng” không chỉ nổi tiếng là “lò đào hoa hậu Việt Nam” hay môi trường vô cùng năng động cùng hơn 40 CLB mà còn được biết đến bởi những chuyên ngành kinh tế tương đối đa dạng với cơ hội việc làm cao. Một trong số đó là chuyên ngành Thương mại quốc tế. Cùng khám phá xem có điều gì hấp dẫn ở chuyên ngành này nhé!

1. KIẾN THỨC, KĨ NĂNG KHI HỌC THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Nền tảng là Ngành Kinh tế, song chương trình sẽ tập trung chuyên sâu đào tạo về lĩnh vực thương mại quốc tế. Các mảng kiến thức chuyên môn chính gồm: Giao dịch thương mại quốc tế, Đàm phán Ngoại thương, Thương mại và sở hữu trí tuệ, Thương mại dịch vụ, Luật thương mại quốc tế, Marketing quốc tế, Kinh tế quốc tế,...

Sinh viên chuyên ngành Thương mại quốc tế sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương sẽ có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế và thương mại quốc tế. Cử nhân Thương mại quốc tế còn được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư, thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ, đồng thời am hiểu luật pháp thương mại quốc tế, các vấn đề liên quan đến Tổ chức thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế,...

 

Một số kĩ năng được nhận, trau dồi qua quá trình học tập, rèn luyện chuyên ngành này:

Kỹ năng nghề nghiệp:

  • Có kỹ năng phát hiện vấn đề, mối tương quan giữa các vấn đề trong lĩnh vực Thương mại quốc tế.
  • Có kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin kinh tế.
  • Có các kỹ năng cần thiết trong hoạt động thương mại quốc tế: hạch toán, lập kế hoạch kinh doanh, điều hành các hoạt động giao nhận và kho vận quốc tế, thanh toán quốc tế, chăm sóc khách hàng và đối tác.
  • Có khả năng tổng hợp, khái quát hóa, hình thành các giả thuyết, phân tích định tính và định lượng vấn đề.
  • Có kỹ năng giải quyết vấn đề, xác định vấn đề ưu tiên, đề xuất giải pháp và kiến nghị trong lĩnh vực Thương mại quốc tế.
  • Biết cách nghiên cứu thực nghiệm, biết sử dụng các công cụ nghiên cứu, biết cải tiến, sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp.
  • Có khả năng kiểm định giả thuyết và phản biện.
  • Có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công việc.

 

Kỹ năng mềm:

  • Có kỹ năng làm việc theo nhóm: hình thành nhóm; vận hành, lãnh đạo nhóm; tạo động lực làm việc và phát triển nhóm; có khả năng làm việc hiệu quả với các nhóm khác.
  • Biết hoạch định chiến lược giao tiếp; có kỹ năng xây dựng cấu trúc giao tiếp (biết cách lập luận, sắp xếp ý tưởng,…); có kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, giao tiếp qua thư điện tử và các phương tiện truyền thông khác.
  • Có kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thuyết phục để đưa ra quyết định trên nền tảng luật pháp và trách nhiệm với xã hội.

2.HỌC THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ, SAU NÀY ĐI LÀM GÌ ???

Sau khi tốt nghiệp,các bạn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước như: Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp thương mại, các công ty nước ngoài,...

Với khối kiến thức, kĩ năng được cung cấp, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại quốc tế được chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Chuyên viên tư vấn, phân tích chính sách

Có đủ năng lực làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trung ương và địa phương; có thể đảm nhận công việc trợ lý phân tích thực trạng, đánh giá tác động của thương mại quốc tế đến tăng trưởng và phát triển kinh tế; trợ lý lập kế hoạch; trợ lý tư vấn giải pháp, chính sách xúc tiến thương mại quốc tế. Triển vọng trong tương lai có thể trở thành chuyên gia phân tích, tư vấn, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý trong lĩnh vực kinh tế nói chung và thương mại quốc tế nói riêng.

Nhóm 2: Chuyên viên, trợ lý

Có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở các vị trí có liên quan đến ngoại thương như chuyên viên kinh doanh xuất nhập khẩu, Logistics, phát triển thị trường quốc tế và thương hiệu, thanh toán quốc tế, quan hệ quốc tế; trợ lý Tổng giám đốc hoặc Hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp trong nước và quốc tế…Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể công tác tại các cơ quan - Vụ - Viện về các vấn đề kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế như Bộ Công thương, Vụ hợp tác quốc tế của các Bộ, Ủy ban quốc gia về hợp tác quốc tế, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng, Sở Thương mại, Sở VHTT và Du lịch…Trong tương lai, có thể trở thành chuyên viên cao cấp hay chuyên gia làm việc cho các tổ chức quốc tế như ILO, UNCTAD, ADB, IMF, World Bank, NGOs,… tại Việt Nam hoặc các nước láng giềng.

 

Nhóm 3: Nghiên cứu viên và giảng viên

Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu trong nước. Có thể đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể: tham gia nghiên cứu về kinh tế và thương mại; giảng dạy các môn học thuộc chương trình đào tạo Thương mại quốc tế. Trong tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp.

 

Trên đây là toàn bộ thông tin về chuyên ngành Thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại Thương, hy vọng chúng mình đã giúp bạn có thêm hiểu biết về chuyên ngành này và có quyết định đúng đắn lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm chuyên ngành nào nữa của trường Đại học ngoại Thương hãy comment bên dưới cho Nova Eguide cùng biết nhé!

 

Bình luận bài viết