Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 2: Văn tự sự

Đề 1Kể lại một truyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh (chị) yêu thích (ví dụ: Sọ Dừa, Bến Quê, Những ngôi sao xa xôi, …)

I. Dàn ý

1. Mở bài

– Kể giới thiệu gia cảnh bố mẹ Sọ Dừa

– Sự ra đời thần kì và hình ảnh dị dạng của Sọ Dừa.

2. Thân bài

   Lần lượt kể các sự việc sau:

– Sọ Dừa đi chăn bò cho nhà Phú ông những tưởng sẽ rất khó khăn nhưng cậu chăn rất giỏi.

– Phú ông cắt cử ba cô con gái đưa cơm cho Sọ Dừa.

    + Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa.

    + Cô út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

– Cô út nhiều lần bắt gặp Sọ Dừa biến thành chàng trai tuấn tú khôi ngô đem lòng yêu thương chàng.

– Sọ Dừa đòi mẹ sang hỏi cho mình con gái Phú ông.

– Hai cô chị xấu tính nên từ chối. Cô út vì biết được thân hình của Sọ Dừa nên cúi mặt, e lệ bằng lòng,

– Sọ Dừa đi thi. Trước khi đi còn dặn dò và trao cho vợ những vật hộ thân.

– Hai cô chị bày mưu ác rồi đẩy cô em vào bụng cá.

– Cô em không chết, giạt vào sống ở đảo hoang rồi may mắn nhờ vào những vật hộ thân mà gặp được chồng mình.

3. Kết bài

– Hai cô chị thấy cô em trở về thì xấu hổ bỏ đi biệt tích.

– Vợ chồng quan trạng từ đấy sống hạnh phúc bên nhau.

II. Bài văn mẫu

Bài mẫu 1: Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.

Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.

– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.
Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.

Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.

Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, cặp gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

Ò... ó... o
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

 

Bài mẫu 2:Kể lại truyện cổ tích Con Rồng Cháu Tiên

Thuở xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần hình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. Thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ tinh, Mộc Tinh. thần còn dạy dân cách trồng trọt và sinh sống.

Âu cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng.

Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng cồn bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần.

Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:

- Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?!

Lạc Long Quân ân cần giải thích:

- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.

Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đo ở Phong Châu (vùng Bạc Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương.

Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

 

Bài mẫu 3: Kể lại câu truyện cổ tích Cây khế

Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh tham lam, khi chia gia tài liền chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho mảnh vườn và cây khế.

Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra quả rất sai. Từng chùng quả chín vàng như năng lúc lỉu trên cành. Người em nhìn cây khế mà vui mừng, tính đem bán để lấy tiền mua gạo.

Một hôm, có con chim lạ từ đâu bay đến ăn khế. Thấy cây khế bị chim ăn xơ xác người em ôm mặt khóc. Chim bỗng cất lời:

“Ăn một quả trả một cục vàng

May túi ba gang, mang đi mà đựng”

Người em nghe chim nói tiếng người lấy làm kinh ngạc, bèn về kể cho vợ nghe. Hai vợ chồng may một chiếc túi vừa đúng ba gang, chờ chim đến. Hôm sau, chim bay đến, bảo người em ngồi lên lòng mình. Chim bay rất xa, đến một hòn đảo đầy vàng bạc giữa biển khơi bao la. Người em lấy vàng bỏ đầy túi ba gang rồi lại theo chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có.

Người anh nghe thấy em giàu liền sang chơi và lân la hỏi chuyện. Em không giấu giếm kể lại cho anh tường tận mọi điều. Người anh nằng nặc đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy mảnh vườn và cây khế, người em dù không muốn nhưng thấy anh cương quyết quá cũng đành đổi cho anh.

Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu những quả vàng chín mọng, người anh khấp khởi mừng thầm, ngày ngày ngóng chờ con chim lạ tới. Thế rồi một hôm, chim tới ăn khế, người anh giả vờ khóc lóc, chim cũng nói:

“Ăn một quả trả một cục vàng

May túi ba gang, mang đi mà đựng”

Người anh nghe vậy, mừng như mở cờ trong bụng, vội vã cùng vợ may một chiếc túi to thật là to. Hôm sau chim tới đưa người anh đi lấy vàng ở hòn đảo xa lạ nọ. Nhìn thấy vàng bạc châu bái trên đảo, người anh vội vàng nhét đầy túi to, lại còn giắt khắp người. Khi người anh leo lên lưng chim, chim phải vổ cánh mấy lần mới bay lên được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Chim bảo người anh vứt bớt vàng bạc đi nhưng anh ta không chịu. Chim nặng quá, nghiêng cánh, thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi xuống biển sâu, không bao giờ trở về được nữa.

 

Đề 2Hãy tưởng tượng mình là Xi-mông, kể lại truyện Bố của Xi-mông.

I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu:

    + Tôi là Xi-Mông, là con của mẹ Blăng-sốt và bố Phi-líp yêu thương.

    + Thế nhưng, các bạn biết không, trước đây tôi đã vô cùng đau khổ vì bị coi là đứa trẻ không có bố.

2. Thân bài

   Kể lại lần lượt các sự kiện trong đoạn trích "Bố của Xi-Mông".

- Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi đi học:

    + Bị bạn bè trêu như thế nào ?

    + Bản thân đau đớn ra sao ? (trong suy nghĩ, hành động,…)

    + Cảm giác sợ hãi, muốn lẩn tránh, xa lánh bạn bè

- Tôi đã bỏ lên bờ sông, trong đầu vướng vấn ý định tự tử ngay lúc ấy.

    + Kể lại tâm trạng vô cùng tuyện vọng lúc ở bờ sông.

    + Cảnh vật lúc đó thế nào ? Nó khiến "tôi" cảm giác ra sao ?

- Đang tuyệt vọng, bỗng nhiên có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi. Đó là bác thợ rèn Phi-líp.

    + Kể lại việc bác thợ rèn nói chuyện với mình ra sao.

    + Bác đưa mình về và nói chuyện với mẹ thế nào.

- Vô cùng sung sướng khi Bác Phi-líp đồng ý nhận làm cha của mình. Muốn khoe với các bạn và tự hào vì mình có bố.

3. Kết bài

- Đây là câu chuyện có ý nghĩa nhất đối với bản thân tôi.

- Kể từ ngày ấy tôi luôn hạnh phúc và tự hào vì được sống trong tình thương yêu của cả bố mẹ tôi.

II. Bài văn mẫu

Bài mẫu 1:

- Con đi học đây, bố Xi-mông ơi!

- Ừ, con đi đi! Đi cẩn thận con nhé - Tôi cúi xuống hôn vào trán đứa con bé bỏng, nhẹ nhàng nói.

Nhìn đứa con gái tung tăng, vui vẻ đi đến trường, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Đúng vậy, chắc các bạn cũng đoán ra tôi là ai đúng không? Tôi chính là cậu bé Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông đây. Mỗi buổi sáng thức dậy và tiễn đứa con gái đi học, tôi lại nhớ đến chính mình ngày còn bé, khi tôi vẫn chưa có bố Phi-lip, vẫn còn bị bắt nạt. Bố Phi-lip của tôi đã đến và thay đổi cuộc đời, mang đến cho tôi một cuộc sống mới, tốt hơn. Ít nhất là về tâm hồn, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Kí ức như một cuốn phim quay chậm, về quá khứ, những hình ảnh ấy cứ hiện lên, từng chút từng chút một trong tâm trí tôi. Tôi nhớ đến lần đầu tiên tôi gặp bố Phi-lip, lần đầu tiên tôi tự hào tuyên bố với lũ nhóc ở trường rằng tôi có bố. Như một thói quen, sau giờ học là lúc lũ bạn trong lớp vây quanh tôi để hỏi xem bố tôi là ai. Và khi tôi không trả lời được, chúng sẽ đánh và cười nhạo tôi. Hôm nay cũng không phải ngoại lệ. Chuông báo hết giờ học vừa vang lên, chúng đã kéo tôi ra bãi đất phía sau trường hỏi về bố tôi. Mà tôi nào có trả lời được, vì chính tôi cũng không biết bố của mình là ai. Mỗi lần tôi hỏi, mẹ tôi lại nhìn tôi bằng ánh mắt đau đớn, khuôn mặt mẹ như tái đi, rồi mẹ sẽ kể một chuyện gì đó dời lực chú ý của tôi hoặc tìm cách lờ đi. Chưa bao giờ mẹ kể với tôi về bố hoặc cho tôi biết, bố tôi là ai. Chúng đánh tôi túi bụi. Những cú đấm, những cái đá cứ liên tiếp trút xuống người tôi. Chúng bỏ ngoài tai lời nói của tôi. Cũng chẳng cần lo lắng sẽ có người tìm chúng tính sổ. Vì mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ chân yếu tay mềm, bà không là gì so với bố của chúng nó cả.

Sau khi đánh tôi, chúng hả hê, cười vang rồi bỏ về. Tôi chạy ra bờ sông nằm khóc. Quả thực là đau đớn và tức giận. Có lẽ tôi nên chết đi. Tôi sẽ nhảy xuống sông cho chết đuôi luôn đi, để chúng khỏi phải coi tôi như thứ tiêu khiển mỗi ngày của chúng nữa. Tôi cứ khóc như thế một lúc lâu. Trời ấm áp và dễ chịu vô cùng. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Tôi cảm thấy mệt mỏi rã rời, cả người uể oải. Tôi rất muốn nằm dài trên bãi cỏ để ngủ một giấc thật dài. Tôi muốn ngủ và không bao giờ thức dậy nữa. Cứ nằm như thế, trên bãi cỏ, dưới nắng ấm. Chỉ vậy thôi.

Bỗng tôi nhìn thấy một con nhái màu xanh lục nhảy dưới chân mình. Tôi quyết định sẽ bắt nó và phải mất ba lần vồ hụt tôi mới túm được hai đầu chân sau của nó. Tôi bật cười khi nhìn con nhái cố gắng giãy giụa để thoát thân. Nó thu mình trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ; trong lúc giương tròn con mắt có vành vàng, nó dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Nhìn nó tôi lại nhớ đến một thứ đồ chơi làm bằng những thanh gỗ hẹp đóng đinh chữ chi chồng lên nhau, và với động tác cũng giống như vậy, điều khiển các chú lính nhỏ cài bên trên tập tành. Nhưng hình ảnh ấy lại khiến tôi nhớ đến nhà, nhớ đến mẹ và tôi cảm thấy buồn vô cùng. Tôi cảm thấy tủi thân và hụt hẫng khi tôi không có bố. Tôi lại khóc. Những tiếng khóc cứ to dần lên, nức nở, nghẹn ngào. Tôi cần phải có một chỗ dựa để vực tinh thần của mình dậy. Tôi quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Lúc này chỉ có Chúa mới có thể có sức mạnh cứu giúp cho linh hồn nhỏ bé, đang bị tổn thương của tôi mà thôi. Tôi muốn đọc kinh cầu nguyện một cách liền mạch như tôi vẫn làm nhưng ngay lúc này, tôi không thể làm thế vì những tiếng nức nở kéo đến, dồn dập. Đầu tôi chẳng nghĩ được gì nữa, mắt cũng cứ nhòe dần đi. Tôi lại khóc một cách tức tưởi.

Bỗng có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi và một giọng nói ồm ổm vang lên bên tai:

- Có điều gì làm cháu buồn phiền đén thế, cháu ơi?

Tôi quay lại nhìn, cố gắng dụi đôi mắt còn đang nhập nhèm nước để nhìn cho rõ người đang đứng đôi diện và hỏi han tôi ân cần ấy là ai. Tôi nhìn thấy một bác công nhân cao ớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn mình với đôi mắt lo lắng và một vẻ mặt nhân hậu. Tôi trả lời bác bằng một giọng nghẹn ngào, đôi mắt thì vẫn đẫm lệ:

- Chúng nó đánh cháu...vì...cháu...cháu...không có bố...không có bố.

Lời nói của tôi bị đứt quãng bởi những tiếng nấc. Nỗi uất nghẹn, tủi thân cứ thế tuôn ra trong lời nói. Tôi khi ấy mới chỉ là một thằng bé bảy tám tuổi nên tôi chưa đủ sức để gạt bỏ hết những lời nói ác ý và hành động của lũ bạn ra khỏi đầu. Tôi bị những điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ và tôi khao khát có một người bố để yêu thương, để nũng nịu, giống như bất kì đứa trẻ nào khác trên thế giới này. Bác công nhân nghe tôi nói thì mỉm cười:

- Sao thế? Ai mà chẳng có bố?

- Cháu...cháu không có bố - tôi trả lời một cách khó khăn. Bởi mỗi lần nhắc đến sự thật là tôi không có bố, trái tim tôi lại nhói lên một cái. Tôi cảm thấy buồn tủi vô cùng.

Mặt bác công nhân bỗng nghiêm lại. Như đang suy nghĩ điều gì đó, lát sau bác mới nói với tôi:

- Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu...một ông bố.

Nghe bác nói, không hiểu sao trong lòng tôi đầu tôi lóe lên một cái. Một cảm giác chờ đợi, mong ngóng thật kì lạ dâng lên trong lòng. Bác nói bác sẽ cho tôi một ông bố sao? Tức là tôi sẽ có một người bố à? Tôi sẽ không bị lũ kia trêu chọc, bắt nạt nữa đúng không? Tôi đứng dậy, nắm lấy bàn tay to lớn, thô ráp của bác. Bàn tay bác bao trọn lấy bàn tay nhỏ bé của tôi. Bác dắt tay tôi về nhà. Cả quãng đường từ bờ sông về nhà, tôi thấy mình gióng như tất cả những đứa trẻ khác. Bác giống như bố của tôi. Và bác sẽ che chở cho tôi, như bác vừa nói chứ?

Tôi dẫn bác về nhà mình, một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ. Đó là một ngôi nhà ấm áp. Và sẽ ấm áp hơn nữa nếu tôi có một người bố thực sự. Tôi dừng trước cửa nhà, buông tay ra rồi chạy vào nhà, gọi to:

- Mẹ ơi!

Mẹ tôi xuất hiện trước cửa với một vẻ xanh xao và một khuôn mặt nghiêm nghị. Mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ. Bà vì nhẹ dạ cả tin mà bị người ta lừa, rồi phụ bạc. Tôi chính là kêt quả của sự dối lừa và bạc bẽo mà người đàn ông đó để lại cho mẹ. Nhưng chưa bao giờ mẹ tôi cáu gắt hay trút giận lên tôi. Bà luôn dành cho tôi sự bao dung vô bờ bến như một cách để bù đắp cho tôi những thiếu thốn mà bà không thể nào mang lại cho tôi như một người cha có thể mang lại. Mẹ nhìn bác Phi-lip bằng con mắt dè chừng. Từ sau khi bị lừa, mẹ luôn trong trạng thái cảnh giác như thế. Bác Phi-lip e dè, cầm chiếc mũ công nhân trên tay và ấp úng:

- Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.

Nhưng tôi đã nhảy lên, ôm lấy cổ mẹ tôi và òa khóc:

- Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con...đánh con...tại con không có bố.

Khi ấy tôi không ý thức được những lời mình nói có bao nhiêu sức nặng đối với mẹ. Tôi cũng không hề nhận ra những lời nói ấy khiến mẹ tôi đau đớn đến tận xương tủy. Nước mắt mẹ tôi lã chã rơi xuống, mẹ ghì lấy và hôn lên hai má tôi. Tôi không để ý đến hành động đó của mẹ mà tụt xuống, chạy đến bên cạnh bác Phi-líp. Khi ấy, điều mong mỏi lớn nhất của tôi là tôi sẽ có một người bố. Một người bố giống như bác Phi-líp. Tôi nói:

- Bác có muốn làm bố cháu không?

Bác Phi-líp im lặng hồi lâu. Đôi mắt bác nhìn về phía mẹ tôi. Không thấy bác trả lời, tôi lại nói tiếp, như một lời đe dọa:

- Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối/.

Bác Phi-líp cười đáp coi như chuyện đùa. Nụ cười của bác rất hiền hậu:

- Có chứ, bác muốn chứ!

- Thế bác tên là gì? - tôi vội hỏi - để cháu trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên bác?

- Phi-lip - Bác đáp lại tôi

Tôi phỉa im lặng mất một lúc để nhắc lại và ghi nhớ cái tên ấy. Một niềm vui lan tỏa trong tâm hồn khiến tôi thấy phấn ch