NovaEdu 19/10/2020 4302

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ? - KỸ NĂNG ĐỌC SÁCH

Mọi người đều biết là đọc sách mang lại cho chúng ta rất nhiều tri thức. Mỗi người đều có phương pháp đọc sách khác nhau, nhưng thử hỏi chúng ta đã có phương pháp đọc sách khoa học, thông minh và hiệu quả. Dưới đây là những chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả giúp mọi người tiếp thu tri thức một cách tốt nhất.

1. Xác định mục đích thật sự của việc đọc sách
Đây chính là bước quan trọng nhất trong phương pháp đọc sách hiệu quả.

Trước khi muốn đọc sách bạn cần xác định và trả lời được các câu hỏi sau:
- Đọc sách để làm gì?
- Đọc sách về lĩnh vực gì?
- Là sách cơ bản hay nâng cao?...

Xác định được mục đích  thật sự bạn muốn khi đọc sách sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức, tránh đọc sách lan man mà không hiệu quả. Mục đích đọc còn giúp các bạn có cách đọc hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách.

Bạn sẽ có được hướng đọc, khai thác vấn đề triệt để trong một cuốn sách, giúp bạn có khả năng tư duy và hiểu rõ cuốn sách 

2. Tìm và chọn lựa cuốn sách phù hợp nhất

Sau khi đã xác định được mục đích thật sự của việc đọc sách thì bạn cần lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với mình. Nhấn mạnh là cuốn sách phù hợp nhất chứ không phải hay nhất.

Nếu có thể bạn cần phải biết:
- Tên cuốn sách.

- Tên tác giả.

- Tên nhà xuất bản.

- Năm xuất bản.

- Lần xuất bản.

Các thông tin trên sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được cuốn sách trong thư viện, nhà sách…

Sau khi bạn tìm được cuốn sách thuộc trả lời cho 3 câu hỏi ở phần xác định mục đích, bạn cần đọc qua phần mục lục. 


Mục lục cuốn sách phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp bạn giải đáp được câu hỏi: "Cuốn sách có những nội dung gì, theo trật tự nào?". 
Đôi khi, phần mục lục còn giúp bạn biết được cuốn sách có mang lại kiến thức bạn muốn và phù hợp với bạn hay không.

Bạn có thể đọc phần mở đầu hoặc lời giới thiệu, lời tựa để biết được cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả.

Qua lời nói đầu, bạn dễ dàng hiểu được ý đồ của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng; mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày. Đôi khi bạn còn thu lượm được cả lời khuyên của tác giả nên tìm hiểu và nghiên cứu cuốn sách như thế nào.

3. Đọc một vài đoạn
 
Sau khi đã có được cuốn sách phù hợp, bạn hãy trực tiếp tìm hiểu vào nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. 

Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau.


4. Đọc thực sự (hay đọc đi sâu)

Bước cuối cùng trong phương pháp sách hiệu quả chính là bước bạn cần tập trung và dành thời gian nhiều nhất.

Để hiểu rõ và lĩnh ngộ được hết tất cả các tri thức mà cuốn sách mang lại bạn cần phải nghiên cứu, và có kỹ thuật đọc phù hợp với mục đích đặt ra.

Có 8 kỹ thuật đọc trong phương pháp đọc sách hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

- Đọc lướt qua: Phương pháp này phù hợp với những bạn chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính…

- Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là 1cách đọc từng đoạn, từng phần mà ta lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.

- Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kỹ: Cách đọc này giúp ta khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể
- Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách.
- Đọc thụ động: Cùng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.
- Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.
- Đọc nông: Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. 
- Đọc sâu: Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học.


Mỗi một cách đọc đều có ưu nhược điểm riêng, bạn cần phải lựa chọn cách đọc phù hợp nhất cho mục đích đọc sách mà bạn đã xác định ngay từ thời điểm đầu.

Nhưng bất kể bạn chọn lựa cách đọc nào thì phải nhớ những lưu ý khi đọc sách: 
- Đọc sách ở nơi yên tĩnh, tránh chỗ ồn ào.
- Đọc sách ở nơi có đủ ánh sáng
- Không nên đọc sách ở tư thế nằm ngủ
- Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng.
- Khi đọc cần tập trung cao độ vào cuốn sách.
- Khi đọc cần tích cực  tư duy với những diễn biến, câu hỏi,...trong sách
- Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.
- Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách….

Trên đây là các chia sẻ về phương pháp đọc sách các bạn có thể tham khảo nó. Chúc các bạn có được phương pháp đọc sách thông minh, khoa học và hiệu quả nhất.
 

Bình luận bài viết